Chào mừng đến với Website trường THPT Bà Rịa

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP VÀ LÀM BÀI THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN TIẾNG ANH - Cô Hòang Thị Hòa


Các em học sinh thân mến!

Từ lâu môn tiếng Anh được xem là một trong 3 môn chính trong chương trình THPT và là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, nhưng không phải học sinh nào cũng học tốt môn này, thậm chí có một số học sinh có tâm lí rất sợ môn tiếng Anh.

Để chuẩn bị tâm lí và kiến thức vững vàng cho kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới, các em nên nắm vững một số kiến thức và kĩ năng làm bài sau đây để có kết quả thật tốt.

I.Lập kế hoạch ôn tập: Các em nên lên một kế hoạch ôn tập rõ ràng cho từng tuần và từng ngày và phải quyết tâm thực hiện theo kế hoạch. Ví dụ: Tuần 1 ôn tập thì của động từ; câu điều kiện và từ vựng của bài 1,2 (trong đó thứ 2 ôn 4 thì của động từ, thứ 3 ôn 4 thì còn lại, thứ 4 học lại từ vựng bài 1, thứ 5 học từ vựng bài 2, thứ 6 ôn tập câu điều kiện, thứ 7 xem lại toàn bộ những gì mình đã ôn tập trong tần qua).

 

II.Nắm vững các điểm văn phạm căn bản:

  1. Thì của động từ: Chú ý sự khác nhau giữa thì hiện tại hoàn thành và thì quá khứ đơn; thì tương lai đơn và tương lai hoàn thành, quá khứ đơn và quá khứ hoàn thành, quá khứ tiếp diễn và quá khứ đơn.
  2. Câu điều kiện: sự giống và khác của câu điều kiện loại 1 và loại 2: cả 2 điều kiện đều ở hiện tại và tương lai nhưng loại 1 thì điều kiện đưa ra có thể xảy ra còn loại 2 thì điều kiện không hoặc khó có khả năng xảy ra. Loại 3 điều kiện không xảy ra trong quá khứ. Khi nhớ về cấu trúc 3 loại điều kiện nên tách mệnh đề điều kiện theo dạng lùi thì: loại 1 dùng thì hiện tại, loại 2 dùng thì quá khứ đơn và loại 3 dùng thì quá khứ hoàn thành. Còn mệnh đề chính cũng tương tự: loại 1 dùng will / can + V; loại 2 dùng would / could + V; loại 3 dùng would / could + have + V(past participle)
  3.  Câu chủ động và bị động: nên lưu ý không dùng những nội động từ (intransitive verbs) như  happen, dance, lie, arrive, sleep, stay, run, live, die ở dạng bị động vì đây là những động từ không có tân ngữ.
  4. Câu tường thuật: Khi động từ tường thuật ở thì quá khứ thì động từ ở lời nói gián tiếp được lùi một thời so với lời nói trực tiếp, các đại từ và trạng từ chỉ thời gian và địa điểm cũng có những sự thay đổi. Câu điều kiện loại 2 và loại 3 trong lời nói gián tiếp giữ nguyên thì so với lời nói trực tiếp.
  5. So sánh tính từ và trạng từ: cần lưu ý những tính từ và trạng từi không theo quy tắc của dạng câu so sánh hơn và so sánh nhất như good / well; bad/ badly; hoặc litlle.
  6. Mệnh đề quan hệ: that không thể được dùng để thay thế which hoặc who quan hệ không hạn định và sau giới từ.
  7. Từ vựng: học sinh nên tập  trung vào từng mảng kiến thức và chủ đề từ vựng theo sách giáo khoa.

III.Cấu trúc đề: Đề tốt nghiệp gồm có 50 câu trắc nghiệm như sau:

- Ngữ âm (5 câu): thường là cách phát âm –s/-es/-ed và một số từ cơ bản thông dụng

- Từ vựng và Ngữ pháp (25 câu): phần này là những câu trắc nghiệm đơn điền khuyết, từ đồng nghĩa, cấu trúc ngữ pháp cơ bản, chọn động từ theo thì hoặc dạng, cụm động từ, mạo từ, giới từ, …

- Đọc hiểu và chọn câu trả lời: 5 câu đọc và chọn câu trả lời về bài đọc: để làm tốt phần này em nên đọc câu hỏi trước sau đó đọc bài và xác định câu trả lời cho câu hỏi đó nằm ở đâu trong bài.

- Đọc hiểu điền từ: Đọc một đoạn văn và chọn từ hoặc cụm từ điền vào chỗ trống để hoàn thành bài văn: Phần này các em nên để ý cách dùng từ theo ngữ cảnh, các từ liên quan tới chủ điểm và cấu trúc ngữ pháp.

- Viết (10 câu): 5 câu chữa lỗi sai; 5 câu hoàn thành câu bằng một mệnh đề hay một cụm từ, hay chọn một câu hoàn chỉnh từ những từ cho sẵn, hay chọn câu gần nghĩa nhất với câu đã cho)

 

Lưu ý khi làm bài:

- Làm những câu hỏi dễ trước câu khó sẽ làm sau. Không nên dùng quá nhiều thời gian vào câu hỏi khó.

- Không được bỏ trống bất cứ câu hỏi nào. Nếu gần hết thời gian thì các em nên dùng khả năng suy đoán của mình để lựa chọn một đáp án hợp lý nhất cho những câu chưa chắc chắn.

- Khi làm bài phải tô đậm các ô tròn, không tô 2 ô trong 1 câu.

- Cân đối thời gian làm bài cho hợp lí giữa các phần: 25 phút làm 30 câu phần ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng; 20 phút dành cho 10 câu phần đọc hiểu (phần này nên dành nhiều thời gian để làm hơn vì đây là phần phức tạp); 5 phút tìm lỗi sai; 5 phút làm phất viết câu. Dành khoảng 5 phút cuối giờ để kiểm tra lại các phần tô trong phiếu trả lời xem có chính xác chưa. Nên dùng bút mềm 2B để tô cho nhanh.

Chúc các em ôn tập và làm bài thi đạt kết quả tốt.

GV: Hoàng Thị Hòa

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 48
  • Trong tuần: 1876
  • Tất cả: 247559